Béo phì ở trẻ em: 5 điều cơ bản mẹ không nên bỏ qua
Những năm gần đây, khi trẻ thường xuyên ăn uống quá mức và lười tập thể dục đã khiến thực trạng béo phì ở trẻ em ở nước ta ngày càng tăng. Đó cũng chính là mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai và dẫn đến hệ lụy xấu về sức khỏe. Chẳng hạn như rối loạn nội tiết, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…
Xem thêm: Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì và 5 điều kiêng kị
Giới thiệu đôi nét về tình trạng béo phì
Đây là tình trạng sức khỏe của con người khi tích tụ lượng mỡ bất thường và quá mức. Béo phì ở trẻ em là tình trạng bé có cân nặng vượt quá ngưỡng thừa cân và có nguy cơ mắc phải một số căn bệnh mãn tính.
Béo phì không chỉ ảnh hưởng xấu tới thể chất của con người mà cả sức khỏe tinh thần. Ở Việt Nam, theo Bộ Y tế thì tỷ lệ trẻ bị béo phì ở độ tuổi 6 tới 11 tại TPHCM là 12% còn Hà Nội là 8 – 9%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ em
Chế độ và thói quen ăn uống không hợp lý
- Trẻ thường xuyên được bổ sung các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao. Chẳng hạn như bánh ngọt, thức ăn nhanh, các loại nước giải khát… Điều này sẽ dẫn đến mất cân bằng năng lượng và sau một thời gian dài sẽ tăng tích tụ mỡ trên cơ thể bé.
- Ít ăn trái cây, rau xanh và thay vào đó ăn đồ ăn có nhiều tinh bột, đồ chiên rán, quay…
Trẻ lười tập thể dục, ít vận động
Như bạn đã biết, thường xuyên vận động, tập thể dục sẽ giúp đốt cháy lượng calo rất hữu ích. Nếu trẻ lười tập thể dục mà dành thời gian chơi game, xem tivi thì điều hiển nhiên sẽ tích lũy mỡ thừa. Sau một thời gian dài trẻ sẽ bị béo phì và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Một số các nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em khác
- Hoàn cảnh gia đình: Trẻ em có bố mẹ bị béo phì thì cũng có nguy cơ bị béo phì cao. Bên cạnh đó, chính cách chăm sóc cũng như sự giáo dục của bố mẹ cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
- Tâm lý: Sự căng thẳng, buồn chán… cũng là một trong những yếu tố làm tăng tình trạng béo phì ở trẻ em. Bởi hầu hết trẻ em sẽ có xu hướng ăn nhiều, nhất là ăn đêm để đối phó với các cảm xúc này.
- Kinh tế – xã hội: Tại các nước đang phát triển thì tỷ lệ béo phì ở trẻ đang ngày càng gia tăng, nhất là vùng thành thị. Bởi điều kiện sống tốt hơn và trẻ cũng lười vận động, tiếp xúc với tivi, máy tính nhiều.
Triệu chứng ở trẻ em bị bệnh béo phì
Trẻ em bị bệnh béo phì thường có vẻ ngoài rất đặc trưng, đó là thân hình phì nhiêu và đi lại rất nặng nề. Bên cạnh đó, trẻ thường thích ăn những đồ ăn ngọt, ít ăn rau và hay thức khuya.
Hiện nay, WHO thường sử dụng chỉ số khối của cơ thể để xác định tình trạng gầy béo của mọi người. Chỉ cần bạn lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao là có thể biết trẻ đang gầy hay béo để cân chỉnh lượng thức ăn ở bé.
Những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe khi trẻ bị béo phì
Khi trẻ bị béo phì không những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần mà còn cả thể chất nữa. Cụ thể như sau:
Những biến chứng về thể chất:
- Rối loạn chuyển hóa như rối loạn đường máu gây ra rậm lông ở bé gái.
- Đái tháo đường loại 2 thường gặp ở những trẻ thừa cân
- Biến chứng tim mạch và hội chứng chuyển hóa khi trưởng thành
- Hen suyễn, rối loạn giấc ngủ và bệnh đau nhức xương khớp
Những biến chứng về xã hội và tình cảm:
- Lo lắng, tự ti, trầm cảm và dễ bị trêu chọc
- Khó tiếp thu trong việc học tập và kỹ năng xã hội kém
Cách ngăn ngừa tình trạng béo phì ở trẻ em
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và khoa học
Để ngăn ngừa tình trạng béo phì ở trẻ em, các mẹ hãy tập xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thông qua việc chọn các loại trái cây và rau xanh tươi sạch cũng như đảm bảo mỗi bữa ăn đều đủ chất dinh dưỡng. Tiếp theo, sử dụng dầu thực vật trong chế biến thức ăn và chọn các ngũ cốc nguyên hạt.
Bên cạnh đó, các mẹ nên khuyên bé hạn chế ăn thức ăn nhanh hay uống nhiều đồ ngọt. Chẳng hạn như chè, nước có đường, nước ngọt có gas… Hạn chế ăn nhiều đồ ăn nướng, chiên rán và không ăn nhiều đồ ăn vào buổi tối vì sẽ dẫn đến tình trạng bé bị béo phì.
Xây dựng thói quen sống lành mạnh và tập thể dục mỗi ngày
Trẻ em nên tập thể dục mỗi ngày 1 giờ và hạn chế xem tivi, chơi game. Thay vào đó, mẹ hãy khuyến khích bé tham gia các hoạt động ngoài trời để giúp bé khỏe mạnh và học hỏi thêm nhiều kỹ năng sống hơn.
Trên đây đã chia sẻ top 5 điều cơ bản mẹ nên biết về tình trạng béo phì ở trẻ em. Qua đó, hy vọng những thông tin trên đã giúp các mẹ có cách chăm sóc để giúp bé yêu khỏe mạnh và phát triển toàn diện hơn.