Thận

Thận (hay cật thường khi nói đến cơ thể loài thú) là một tạng (cơ quan) trong hệ tiết niệu, có hai quả, có nhiều chức năng, được tìm thấy trong một số loại động vật có xương sống và không xương sống. Chúng là một bộ phận quan trọng của hệ tiết niệu và cũng có chức năng hằng định nội môi như điều chỉnh các chất điện phân, duy trì sự ổn định axit-bazơ, và điều chỉnh huyết áp. Các quả thận đóng vai trò là bộ lọc máu tự nhiên trong cơ thể, và các chất thải theo niệu quản được dẫn đến bàng quang để thải ra ngoài. Trong việc tạo ra nước tiểu, các quả thận bài tiết các chất thải như urê, acid uric và amoniac; thận cũng có nhiệm vụ tái hấp thụ nước, glucose, và các axít amin. Thận cũng sản xuất các hóc môn như calcitriol, renin, và erythropoietin.

Hình dáng, vị trí giải phẫu người

Thận có hình hạt đậu nằm trong khoang bụng sau phúc mạc đối xứng nhau qua cột sống, ngang đốt ngực T11 đến đốt thắt lưng L3. Thận phải nằm thấp hơn thận trái một chút (Có ý kiến cho rằng thận phải bị đè bởi gan to nhất trong các tạng nên mới như vậy). Mặt trước thận nhẵn bóng còn mặt sau thì sần sùi. Các quả thận nhận máu từ cặp động mạch thận bắt nguồn từ động mạch chủ bụng, và chảy vào các cặp tĩnh mạch thận. Mỗi quả thận tiết nước tiểu vào niệu quản, là một cấu trúc cặp đôi dẫn nước tiểu vào bàng quang. Phía trên mỗi quả thận là tuyến nội tiết thượng thận

Cấu tạo chung

Mỗi quả thận dài khoảng 10 – 12.5 cm, rộng 5–6 cm, dày 3–4 cm và nặng khoảng 170g, có một bờ lồi, một bờ lõm và được bọc bới vở xơ. Ở bờ lõm có một chỗ lõm sâu gọi là rốn thận là nơi mạch máu và các tổ chức thận liên quan.Thận gồm 2 vùng: vùng ngoài cùng là phần vỏ (có màu hồng tới đỏ hay đỏ sẫm) dày khoảng 7 – 10mm, vùng kế tiếp là phần tủy và một khoang rỗng được gọi là bể thận hay tháp thận.

Cấu tạo vi thể và siêu vi thể

Quan sát trên kính lúp có thể thấy rõ ở phần vỏ thận gồm các chấm đỏ, nhỏ li ti, đường kính khoảng 0.2mm. Đó là các cầu thận, còn được gọi là tiểu cầu Malpighi. Cầu thận, nang cầu thận và ống thận tạo thành một đơn vị chức năng. Nang cầu thận hay còn gọi là nang Bowman, do nhà khoa học Bowman phát hiện và mô tả nó, thực chất nó là một cái túi gồm 2 lớp mà lớp trong tiếp giáp với búi mao mạch (chính là cầu thận). Nhu mô thận: Gồm hai phần có màu sắc khác nhau: Vùng vỏ màu đỏ nhạt ở phía ngoài và vùng tuỷ màu đỏ thẫm ở phía trong.

Vùng vỏ: Dày khoảng 4mm bao gồm các hạt thận (hay tiểu cầu thận, hay tiểu cầu Malpighi); phần vỏ nằm giữa các tháp thận, gọi là cột thận.

Vùng tuỷ: Được cấu tạo bởi các tháp thận (tháp Malpighi). Mỗi tháp thận là một khối hình nón có đáy hướng về vỏ thận đỉnh hướng về bể thận. Đỉnh của tháp thận gọi là gai thận (nhú thận). Tháp thận thường nhiều hơn nhú thận. Mỗi thận có khoảng 12 gai thận.Trên mặt mỗi gai thận có nhiều lỗ nhỏ (từ 15-20 lỗ), đó là lỗ của các ống góp mở vào đài thận.

Ống thận thực chất cũng gồm 3 đoạn khác biệt nhau là ống lượn gần, quai Henle và ống lượn xa. Ống lượn gần và ống lượn xa nằm trong phần vỏ, quai Henle nằm trong phần tủy. Trên phần tủy là các tháp thận (hình tháp) được tạo bởi một phần các ống thận. Mỗi quả thận có thể gồm hàng chục tháp thận (hay còn gọi là tháp Manpighi).

Nguồn: vi.wikipedia.org/wiki/Thận

Xem Thêm Các Bài Viết Về Chủ Đề Thận

Back to top button
Close
Close
Call Now Button